Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới, nhất là khi Việt Nam gia nhập WTO thì sự cạnh tranh trên thị trường ngày càng trở nên gay gắt. Ngày càng nhiều các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam với sự xuất hiện của các công ty đa quốc gia như Unilever, P&G, Nestle, CocaCola, Pepsi, Honda… Và đồng thời những thương hiệu hàng đầu thế giới cũng đang dần chiếm lĩnh thị trường khiến những công ty trong nước yếu thế lâm vào tình trạng khốn đốn, một số phá sản, còn lại đa số bị cạnh tranh làm suy yếu. Người tiêu dùng trong nước trước “sự tấn công ồ ạt cả về chất lẫn lượng” bằng những chiến lược kinh doanh và marketing chuyên nghiệp phần lớn đã quay lưng với hàng nội và sử dụng hàng ngoại. Hàng nội là hàng kém chất lượng, hàng ngoại xài mới sang, mới tốt, mới thể hiện được đẳng cấp… đó là tâm lý của đa số người tiêu dùng Việt. Thực tế là cho dù hàng Việt đang ngày càng nâng cao chất lượng và uy tín của mình thì người tiêu dùng vẫn thích dùng hàng ngoại. Từ năm 2009 Bộ Chính trị đã phát động cuộc hưởng ứng “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để một mặt làm hàng Việt Nam càng ngày trở nên chất lượng hơn và một mặt hưởng ứng người dân ưu tiên dùng hàng Việt, tăng sức cạnh tranh, nâng cao hình ảnh của hàng Việt trong tâm trí người tiêu dùng trong nước.
Hàng Việt Nam là gì? Hàng Việt Nam có thực sự tốt hay không? Đó là hai câu hỏi cần làm rõ. Hàng Việt Nam có thể được hiểu là hàng được sản xuất ra bởi người Việt Nam và do chính người Việt Nam làm chủ doanh nghiệp sản xuất đó. Hàng Việt Nam có tốt không thì trước tiên phải xem hàng ngoại như thế nào. Thứ nhất, những công ty như Pepsi hay CocaCola, Unilever hay P&G thì mọi người đều nghĩ đó là hàng tốt, những thương hiệu của những công ty này thường là dẫn đầu trong tâm trí người tiêu dùng (Top of mind). Nhưng, trên khía cạnh khác, những hàng này do ai trực tiếp làm ra? Đó là người Việt Nam. Những người Việt Nam làm thuê cho những công ty này chỉ sử dụng công nghệ của họ nhưng chính chúng ta là người đang tạo ra nó. Thứ hai, nghe đến Nike, mọi người sẽ nghĩ đó là thương hiệu giày thể thao hàng đầu trên thế giới, mang một đôi giày Nike thể hiện đẳng cấp, sự tự tin và thoải mái. Nhưng ai biết rằng, công ty này không có nhà máy sản xuất. Họ chỉ làm các khâu về các chiến lược kinh doanh, marketing là chủ yếu, còn sản xuất sản phẩm thì họ đẩy sang các nước đang phát triển có dân công rẻ mạt để sản xuất thay họ và Việt nam, Trung Quốc là điển hình. Vậy ai là người trực tiếp là những đôi giày Nike cao cấp đó, là chúng ta. Chúng ta đang là người trực tiếp làm ra những sản phẩm với chất lượng tốt nhưng vấn đề chỉ là mang mác của “Tây” mà thôi. Không kể đến các doanh nghiệp ở Việt Nam rất có tiếng trên thị trường như: Kinh Đô, Việt Tiến, Hoa Sen, Kềm Nghĩa, Đồng Tâm... Tuy ở thị trường Việt Nam họ còn rất mạnh nhưng thế mạnh cạnh tranh này với các công ty nước ngoài đang dần bị giảm và mất lợi thế, có thể nhìn thấy điều này từ Tribeco và Chương Dương. Vậy điều gì đang tạo ra sự khác biệt này, không phủ nhận nhiều doanh nghiệp Việt Nam chất lượng còn chưa tốt, chưa tập trung vào để có thể làm ra được những sản phẩm mà người tiêu dùng hài lòng, nhưng nhìn lại những năm gần đây thì dù sản phẩm của Việt Nam tốt nhưng vẫn không cạnh tranh được. Bên cạnh các vấn đề mà doanh nghiệp Việt nam yếu thế hơn với các doanh nghiệp nước ngoài về nguồn lực, kinh nghiệm thì một điều cốt lõi ở đây các doanh nghiệp Việt Nam rất thua thiệt đó là “cái mác” của sản phẩm, hay đó chính là thương hiệu.
Vì sao là ưu tiên dùng hàng Việt mà không phải là phải dùng hàng Việt. Hàng ngoại hay hàng nội thì đều là sản phẩm mà mục đích là đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Nếu nâng cao chất lượng của hàng Việt và chất lượng của hàng Việt và hàng ngoại không thua kém gì nhau thì vì sao phải xài hàng ngoại trong khi dùng hàng nội giá thường rẻ hơn, mà quan trọng hơn nó góp phần nâng cao thu nhập của quốc gia, mua hàng nội ủng hộ và góp phần thúc đẩy doanh nghiệp trong nước phát triển. Nhưng mặc dù như vậy thì chúng ta cũng không thể phủ nhận hàng ngoại. Phủ nhận hàng ngoại là sai lầm khi hội nhập, chối bỏ sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong nước với nước ngoài, như vậy chỉ là bảo thủ, “bế quan tỏa cảng” thì đất nước sẽ càng kém phát triển. Vì vậy, cuộc hưởng ứng này mang hình ảnh của người Việt ưu tiên dùng hàng Việt là hoàn toàn đúng đắn về mặt chiến lược.
Vậy, làm sao để cuộc hưởng ứng này được thành công, người Việt Nam sẽ nhìn hàng Việt với con mắt khác và sẽ dùng hàng Việt ngày càng nhiều hơn? Xin đưa ra một số giải pháp dành cho doanh nghiệp Việt cần làm để thực hiện cuộc hưởng ứng này. Thứ nhất, điều trước tiên cần làm là các doanh nghiệp Việt Nam phải ngày càng nâng cao chất lượng của sản phẩm nhiều hơn để đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng. Đó là điều thiết yếu cơ bản vì muốn người tiêu dùng thay đổi suy nghĩ và sử dụng hàng Việt thì phải chứng minh cụ thể là chất lượng của hàng nội là rất tốt, không thua gì hàng ngoại. Không thể nói “hãy dùng hàng của tôi đi, hàng của tôi là hàng Việt, chúng ta là người Việt Nam thì dùng hàng Việt Nam đi” mà chất lượng sản phẩm lại không thỏa mãn được người tiêu dùng. Thứ hai, các doanh nghiệp Việt Nam muốn phát triển phải dựa vào yếu tố cốt lõi, đặc điểm, lợi thế cạnh tranh của mình, tránh đi theo lối phát triển của những công ty nước ngoài với kinh nghiệm, công nghệ và nguồn lực tài chính khổng lồ. Bài học từ công ty ICC với hai sản phẩm Bay và Veo đã cho thấy một bài học như vậy. Một số lợi thế mà doanh nghiệp Việt Nam có thể sử dụng như: am hiểu văn hóa, tính cách, thói quen của người Việt Nam, và ngoài ra dựa trên các đặc điểm về giá thành sản xuất rẻ có thể cạnh tranh với mức giá rẻ hơn nhưng chất lượng không thua kém. Thứ ba, điều quan không thể thiếu đó là cần phải tập trung xây dựng thương hiệu cho chính sản phẩm và doanh nghiệp. Một sản phẩm cho dù tốt, đáp ứng được người tiêu dùng nhưng không có thương hiệu thì sẽ không mang tính cạnh tranh lâu dài được và chỉ mang một chu kỳ sống ngắn ngủi. Xây dựng được một thương hiệu mạnh là một biện pháp cạnh tranh hiệu quả và lâu dài, đó cũng là điều mà các doanh nghiệp Việt Nam đang thua kém các doanh nghiệp nước ngoài, và là điều mà các sản phẩm tốt do người Việt sản xuất lại mang mác hay thương hiệu “Tây”. Thứ tư, khơi dậy phong trào hưởng ứng cuộc vận động này tới mọi người, đặc biệt là lớp trẻ, những người là tương lai của đất nước. Đối tượng của lớp trẻ chủ yếu là sinh viên, học sinh, thanh niên, tạo cho họ có thói quen dùng hàng Việt, ý thức về việc dùng hàng Việt đối với sự phát triển của đất nước bằng các hoạt động phong trào hưởng ứng mạnh mẽ. Điều này sẽ tác động không nhỏ đối với ý thức của người dân Việt Nam sau này. Cuộc vận động đánh vào giới trẻ thì ý thức của họ dễ dàng chấp nhận hơn và bền vững hơn. Điều cuối cùng đó là các doanh nghiệp Việt Nam cần phải có sự đồng bộ, nhất quán, thực hiện đến cùng các yêu cầu trên, tránh làm một thời gian rồi lại bỏ quên, như vậy thì lại càng làm mất uy tín và không đem lại hiệu quả.
Cuộc hưởng ứng “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đang dần tác động tới ý thức của người dân một cách mạnh mẽ bằng các hoạt động trong cả nước, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang ngày càng cải thiện chính mình để ngày càng đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Điều cấp thiết trước mắt như những điều đã đề xuất ở trên là các doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng cho mình thương hiệu mạnh và tiếp tục sử dụng tốt các lợi thế cạnh tranh của mình để phát triển. Trong tương lai không xa, với lòng yêu nước và sự tiêu dùng thông mình của mình thì người Việt Nam sẽ ủng hộ hàng Việt mạnh mẽ, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét